Sáng ngày 24/11/2023, Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức phiên tòa trực tuyến xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1966) về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại điểm cầu trung tâm là Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điểm cầu thành phần là Nhà tạm giữ Công an huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Với khoảng cách gần 1.800km, Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc đã phối hợp cùng với Tòa án nhân dân huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La để tổ chức xét xử thành công phiên tòa.
Điểm cầu trung tâm Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh BRVT
Theo hồ sơ vụ án, ngày 08/11/2016, Nguyễn Văn Hiệp đến khu vực Bến Đình, TP. Vũng Tàu gặp một người đàn ông (không rõ lai lịch) hỏi mua 800.000 đồng tiền ma tuý để mang về sử dụng. Đến khoảng 09 giờ 20 phút cùng ngày, Hiệp cầm 02 đoạn ống hút nhựa màu trắng và 02 gói giấy bạc bên trong chứa 0,6929 gam ma tuý, loại Heroin chạy về đến khu vực cổng Bến xe khách Xuyên Mộc thuộc ấp Thạnh Sơn 1A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc thì bị lực lượng Đồn Biên phòng Bình Châu bắt quả tang và thu giữ.
Ngoài ra, qua khám xét khẩn cấp nơi ở của Hiệp ở ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm, thu giữ 13 đoạn ống nhựa màu trắng, hàn kín hai đầu, bên trong chứa 0,3780 gam ma tuý loại Heroin, Hiệp mua trước đó vào ngày 04/11/2016 mục đích để sử dụng dần nhưng chưa sử dụng hết. Tổng trọng lượng ma tuý Nguyễn Văn Hiệp 02 lần tàng trữ để sử dụng là 1,0709 gam Heroin.
Nguyễn Văn Hiệp đã có 01 tiền án về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” bị xử phạt 12 năm tù là tội rất nghiêm trọng chưa được xóa án tích nay lại phạm tội 02 lần trở lên thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm theo các điểm b, o khoản 2 Điều 249 Bộ luật hình sự.
Sau khi bị bắt quả tang về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”, Đồn Biên phòng Bình Châu ra Quyết định tạm giữ đối với Nguyễn Văn Hiệp trong thời gian 03 ngày để tiếp tục điều tra làm rõ. Quá trình tạm giữ do sức khoẻ của Hiệp không đảm bảo, có bệnh truyền nhiễm HIV nên Nhà tạm giữ Công an huyện Xuyên Mộc đã có văn bản đề nghị chuyển bị can đến Trại giam Công an tỉnh nhưng do sức khoẻ không đảm bảo nên Trại giam không tiếp nhận. Ngày 10/11/2016, Đồn Biên phòng Bình Châu có công văn đề nghị Viện Kiểm sát thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giữ sang biện pháp bảo lĩnh đối với Nguyễn Văn Hiệp. Quá trình tại ngoại để điều tra, truy tố bị can Hiệp bỏ trốn và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội tại tỉnh Sơn La, bị Cơ quan Điều tra huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” theo khoản 3 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1999. Ngày 29/9/2017, bị can bị Toà án nhân dân tỉnh Sơn La tuyên phạt 15 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” theo Bản án số 159/2017/HSST ngày 29/9/2017. Hiện bị can Hiệp đang chấp hành án phạt tù tại Trại giam Yên Hạ tại xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Hình ảnh các điểm cầu trong phiên xét xử trực tuyến
Từ điểm cầu trung tâm Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT, sau thời gian nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiệp mức án 06 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, tổng cộng hình phạt với bản án trước đó bị cáo đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La xét xử là 21 năm tù.
Một trong những lợi ích rõ ràng nhất của phiên tòa trực tuyến là sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Ông Lê Bá Khuyến - Thẩm phán Chủ tọa cho biết nếu không xét xử trực tuyến như trên thì phải mất nhiều thời gian (thông thường 3-4 tháng) để làm các thủ tục, trích phạm, áp giải bị cáo từ Trại giam Yên Hạ, tỉnh Sơn La về Tòa án nhân dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh BR-VT để xét xử. Việc tổ chức phiên toà trực tuyến giữa hai điểm cầu cách nhau gần 1800 km không chỉ giảm bớt gánh nặng cho đơn vị áp giải, mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Riêng trong vụ án này, bị cáo có tình trạng sức khỏe rất yếu, đang bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, việc di chuyển xa như vậy quả thật rất khó khăn.
Phiên toà đã đáp ứng đúng các yêu cầu tổ chức xét xử trực tuyến, tuân thủ các quy định chung về an toàn an ninh thông tin và quản lý dữ liệu. Việc kết nối giữa điểm cầu trung tâm với điểm cầu thành phần vẫn cho phép bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai vào cùng một thời điểm, bảo đảm được các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, cũng như việc ứng dụng Công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp ở địa phương.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là phù hợp với xu hướng hiện nay, để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh, Tòa án điện tử mà TANDTC đang thực hiện. Việc tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến sẽ tiếp cận được những ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án.
Hoàng Hiệp